Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Thực ra lên Mộc Châu những ngày này mới được chứng kiến cảnh sương giăng giăng trên các đỉnh núi, đào hồng lung linh sắc thắm tươi, rừng mận tam hoa bạt ngàn nở trắng trời trên những triền đồi. Là mùa của hoa cải, hoa dã quỳ, hoa trạng nguyên cùng các loại hoa dại khác cùng nhau đua nở dưới màn mưa phùn mỏng tang, làm nên một khung cảnh thiên nhiên cao nguyên Mộc Châu xinh đẹp.

du-lich-moc-chau

Quanh năm sống và làm việc chốn thị thành ồn ã, thì việc lên Mộc Châu ít ngày, vào đận này, chính là để săn tìm một góc trời mới, nhìn một tầm nhìn mới, trải nghiệm một khung cảnh mới, sống một cuộc sống khác, hồn nhiên và mộc mạc, mà ngộ ra Mộc Châu đáng yêu đến bất ngờ.

Người ta ca tụng Mộc Châu là “Thiên đường du lịch xanh”. Không sai. Mộc Châu là vùng thảo nguyên có những cánh đồng cỏ rộng bao la xinh đẹp bậc nhất miền núi Tây Bắc. Mùa xuân hoa cỏ và cây cối đâm chồi nảy lộc. Những bản làng người dân tộc Thái, Mông, Dao… còn giữ được nguyên nét văn hóa cổ truyền trong tập tục và trong các lễ hội đón xuân như lễ hội Hoa Ban, lễ hội Hết Chá, lễ hội Cầu Mưa, lễ hội Xên Bản – Ngày hội của tình yêu…

Đi cùng tôi toàn là giới trẻ tuổi 8X – 9X. Vài đôi lớn tuổi hơn. Họ có chung tâm trạng háo hức tới mức làm tôi chạnh lòng. Họ hò reo nhau chụp ảnh, có thể nói là lăn xả vào các bối cảnh tạo đủ kiểu dáng để chụp, cái gì cũng là lạ. Từ hoa mận trắng trên những đồi chè xanh, những mái nhà ngói sành rêu cũ chìm ngập trong sắc hoa xuân, nương rau cải dầu đẹp như tranh vẽ, đến người phụ nữ Mông váy xòe trên đường lên nương, gương mặt con trẻ gặm bắp ngô nướng hồn nhiên cười với lữ khách, tất cả cùng thanh bình yên ả trong màn sương sớm. Một cô sinh viên năm thứ ba Đại học ngoại thương tên Thùy Trang mở máy ảnh khoe với tôi những bức ảnh cô chụp, xuýt xoa tự khen, và còn dự kiến cả chú thích, cái này là “Tinh khôi hoa mận trắng rừng Mộc Châu”, cái này “Mộc Châu trong sương”, cái này “Em và hoa cải vàng”…Cô cười xinh hồn nhiên hai má lúm đồng tiền, nháy mắt: “Mộc Châu sẽ là thiên đường của ảnh cưới!”. Có thể là như thế.
du-lich-moc-chau
Huyện Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La có hai thị trấn và 27 xã.  Mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng nên nó bừng lên sự tinh khiết vẹn nguyên chưa bị con người tàn phá. Có lẽ mật độ bình quân 69 người/ki-lô-mét vuông nên chưa đến nỗi lo con người làm việc đó. Thiên nhiên ban tặng cho Mộc Châu một thảm thực vật phong phú, với 12 dân tộc chung sống nhưng có nhiều nét văn hóa tương đồng mà đa phần là người Thái, người Mông, người Dao cùng người Kinh. Lên Mộc Châu vào mùa này, là đi xuyên qua những màn sương Châu Mộc, có lúc đặc quánh như vốc được, rất ít khi loãng. Mỗi vùng đất Châu Mộc cho ta một khung cảnh nên thơ và ấn tượng riêng.

Bản Thông Cuông xã Vân Hồ gần thị trấn nông trường Mộc Châu tháng này trắng hoa cải trắng. Con đường đất dẫn vào một thung lũng hoa cải rộng bao la xa trông là những dãy núi giăng thành. Hoa cải mọc như hoa dại, mịn phẳng như tấm thảm xốp. Không bờ ruộng không tường rào. Chỉ có những lối mòn nhỏ xinh lấp ló cho người lách đi khi vụ thu hái. Đơn giản là vãi hạt gieo xuống rồi hạt nảy mầm và nở hoa. Lưa thưa những nếp nhà người Mông mờ tỏ trong sương vọng lại tiếng gà cục tác hẳn là khoe khoang ta đã đẻ được quả trứng rồi. Bây giờ nhà sàn ở Mộc Châu đã xây cột bê tông tường gạch lợp ngói, chỉ làm sàn và cửa gỗ. Phần là muốn cho nhà sàn vững chắc trước giông bão, mùa hè thì thoáng mát mà mùa đông tránh được sương mù ẩm ướt ùa vào. Phần còn có ý bảo vệ nguồn gỗ rừng chống xói mòn cho đồng ruộng. Ngày đông Châu Mộc se lạnh mang ảo mộng sương khói. Một ngày bình dị hẳn như mọi ngày – cảm nhận của lữ khách.

Xuyên tiếp đi qua những màn sương Châu Mộc, bất chợt le lói một vệt nắng vàng như mật ong. Bất chợt thấy một Lóng Luông khác. Rực rỡ đào hồng như xứ thần tiên. Nơi xuất phát của Đoàn quân Tây Tiến. Tấm bia ghi dấu ấn bộ đội cụ Hồ ở Mộc Lỵ. Đài ghi danh 53 liệt sĩ đã ngã xuống khi công đồn giặc Pháp giành lấy ngã ba huyết mạch này để Tây Tiến. Xốn xang bài thơ “Tây Tiến” bất hủ của thi sĩ Quang Dũng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùng / Người đi Châu Mộc chiều sương ấy / Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”.  Đồn giặc ấy nằm trên đường tới thác Dải Yếm và cửa khẩu Pa Háng sang Lào. Chỉ còn lại những mảng đá vôi rêu phong với những lỗ châu mai cỏ mọc kín. Đào tam hoa trồng dày đã che khuất lấp những mảng lô cốt đạn pháo phá nham nhở. Hoa đào ở Lóng Luông như thắm tươi hơn. Tôi cảm nhận ra điều đó. Bởi tôi cùng thời hoặc muộn hơn ít năm những chiến sĩ Tây Tiến mà phần lớn là trai Hà thành..
 du-lich-moc-chau
Tạo hóa đã cho Mộc Châu một cái thác được coi là “báu vật giữa thiên nhiên”: Thác Bản Vặt. Có lẽ thác từ trên cao thả nước xuống phân ra nhiều dòng dài mềm mại trắng phau nên lại được gọi là thác Dải Yếm, thuộc xã Mường Say, nơi cư trú lâu đời của người Thái. Vậy là nó giống dải yếm của người Thái chăng? Giữa cánh rừng xanh thẳm, hoang sơ, u tịch và huyền bí, thác Dải Yếm 100 mét cao lênh khênh hai tầng nước, đổ xuống ầm ào réo rắt suốt ngày đêm qua một chiếu nghỉ ở lưng chừng. Nước họp thành hai vụng nước Bó Co Lắm và Bó Tá Cháu hòa vào một con suối lớn, mà hai bờ xanh non thảm thực vật phong phú nhiều giống nhiều loài. Trên cái nền xanh ấy dậy lên sắc hoa ban và mận thay lá, chồi non rưng rưng tách vỏ già trăm ngả.

Cùng chuyến lên Mộc Châu với tôi có một chủ doanh nghiệp trẻ luôn gọi cô vợ xinh đi cùng là “nàng điệu”, bởi hễ khi chồng hay ai đó trong nhóm giơ máy ảnh lên hướng về phía cô là cô tạo dáng… điệu. Chuyện với nhau, mới vỡ lẽ tôi là đồng nghiệp với bố anh. Bố anh thuộc thế hệ nhà báo lớp trước – Báo Cứu Quốc. Cùng thời với nhà thơ Quang Dũng tác giả “Tây Tiến”. Bàn chân ông thời trai trẻ đã ghi dấu ở đây. Cặp vợ chồng trẻ này rất chịu chơi. Thuê một chiếc taxi rủ tôi thâm nhập vào một bản người Dao, để thưởng thức “Men nồng Phiêng Luông”, ấy là rượu hoẵng. Phiêng Luông vào độ hoa cúc quỳ nở rộ mới có cái món “Rượu hoẵng, thịt chua”. Hai món này chỉ có trong đại tiệc của người Dao, được suy tôn là “đệ nhất” nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc. Đại tiệc đây được tổ chức trong Lễ đặt tên, còn gọi là lễ “Lập Tĩnh” của người Dao. Con trai, mười tuổi trở lên, và chỉ có con trai thôi được trải qua lễ này. Lễ to như lễ cưới. Vui hơn cả Tết xuân. Không có quy định vào mùa nào tháng nào. Nhưng người Dao Tiền ở Phiêng Luông thường chọn vào độ hoa cúc quỳ nở rộ. Có thể vào cữ này công việc trên nương đã vãn. Và cũng là dịp chuẩn bị cho một mùa xuân mới. Rượu hoẵng nấu bằng gạo nếp hương. Đồ lên rồi ủ men. Phải dùng nhiều chum lớn vại to, ủ hàng tạ gạo mới cho được vài chục lít nước hoẵng quý thơm nồng.

Còn thịt chua, là thịt lợn mà con lợn đó phải được chính gia chủ tự nuôi vài năm. Chỉ cho lợn ăn lá rừng và đồ nhà trồng cấy được. Khi mổ lợn, thớ thịt còn giật bần bật, sắt ra từng phay to ướp muối hạt với gia vị chỉ có người Dao biết và tự kiếm. Rồi cuốn lá chuối thật kín, xếp vào chum trám kín nắp bằng nhựa cây rừng, hạ thổ nơi đất dốc và khô ráo. Thịt chua để càng lâu càng ngon. Thời gian có thể tính bằng năm thịt mới “đạt chuẩn”.
doi-che-moc-chau

Khách đến Phiêng Luông dịp này, lạ cũng như quen, thân cũng như thường, ai ai cũng được gia chủ coi như khách quý mời thưởng thức chất men nồng rượu hoẵng nhắm với thịt chua. Mà họ mời là phải cạn bát rượu hoẵng đã, sau nói gì mới nói, chuyện gì mới chuyện. Rượu hoẵng là đầu câu chuyện. Cho tới khi nồng say, nơi ấm nhất bên đống lửa hồng gia chủ rải chiếu mời khách ngả lưng. Thiếp đi cũng không sao. Chia tay, khách có thể quên hoặc nhớ, còn gia chủ thì coi khách như người nhà cho dù chỉ một bát rượu hay hơn thế.

Trên xe taxi. Vợ chồng “nàng điệu” lơ mơ. Chỉ tôi tỉnh. Cậu lái xe sợ phải thổi máy thử độ cồn của cảnh sát giao thông nên không tợp chút rượu hoẵng nào. Tỉnh queo. Cậu nói với tôi: “Chú chưa biết đấy. Lên Mộc Châu mà chưa thưởng thức cơm lam, pa pỉnh tộp (cá nướng), thịt hun khói coi như chưa đến Mộc Châu!” Tôi đã nghe câu này cách đây bốn giờ. Buổi sáng khi tới thăm nông trường chè, một chàng trai người Thái trực ở văn phòng nhà máy đã cho tôi thử “xôi tình yêu – rượu men lá – cá ống tre – thịt trâu gác bếp”. Chàng trai tên là Lò Sử, ở Bản Áng xã Đông Sang. Bên đống củi chất cao cháy đùng đùng tàn khói bay thơm phức mùi nhựa thông, chúng tôi quây quần xung quanh theo dõi chàng trai vừa nướng thức ăn trên than lửa vừa giảng giải từng thứ một với cái giọng ngóng ngọng nặng thổ âm, được món nào bấu xé chia nhau xơi ngay món ấy nóng hổi. Khi mà ngoài trời mưa lây phây và nhiệt độ lạnh dưới 10 độ, thì cái gì nướng nóng cũng ngon cả.

Anh chàng Lò Sử người Thái mà láu như một người Kinh. Anh ta giơ cái món thịt trâu gác bếp lên, nhìn tôi cười lích khích: “Cái này chống chỉ định với những ai răng yếu hoặc răng giả!”. Cả bọn trẻ cười rũ nghĩ rằng tôi “gặp hạn”. Nào ngờ tôi cho họ biết răng tôi tuy là giả nhưng là răng sứ ti-tan 2 triệu rưỡi một cái được bắt vít vào xương hàm. Anh chàng người Thái cười giảng hòa chắp hai tay vái: “Cháu thua cụ rồi! Mời cụ xơi trước ạ!”

Người Thái xắt khúc thịt trâu vuông như bao thuốc lá, hoặc hình trụ dài bằng ngón tay trỏ. Tẩm gia vị chủ yếu là muối ớt, thảo quả và tỏi rồi đem gác hong trên gác bếp. Đến giáp tết mới bỏ xuống ăn nhưng cứng đen như gỗ mun. Người ta phải hấp cách thủy, chừng nửa giờ có khi hơn,  rồi dùng chày hoặc búa dần đập tơi xơ như ta cán cá mực khô nướng vậy.

 thac-dai-yem-moc-chau

Mộc Châu mở du lịch chậm hơn Mai Châu tỉnh Hòa Bình 10 năm. Trên đường tới Mộc Châu xe tôi có ghé qua Mai Châu. Người ta dành hẳn một bản làng người Thái làm nhà sàn rất đẹp để khách du lịch nghỉ lại qua đêm được gọi là “Home-Stay”, biển hiệu viết bằng tiếng Anh hẳn hoi, chiếu đệm chăn hoa nằm trên sàn gỗ, sạch sẽ thoáng mát. Ngủ cộng đồng chỉ phân khu bằng chiếc màn gió kéo lửng. Chỗ này thì thào hoặc cựa mình chỗ bên nghe được hết. Chắc đã quyết định ngủ chung sàn Home-Stay thì điều đó có khi lại vui. Vả lại người Tây ở cạnh người Ta chưa chắc đã hiểu tiếng nhau. Nhà nào cũng có các khung dệt thổ cẩm cùng sản phẩm treo bán. Mầu sắc xanh – đỏ - tím – vàng nhưng chung tông trầm chàm quyết. Có cửa hàng ăn với các món ăn được chế biến rất ngon nóng sốt. Có đội văn nghệ là những chàng trai khỏe mạnh cùng những cô gái xinh đẹp da trắng hồng như trứng gà bóc, mang trang phục và nhạc cụ bản sắc dân tộc Thái biểu diễn theo yêu cầu. Cuối buổi họ hát múa cùng khách và vui uống rượu cần. Giao lưu chuyện trò. Chụp ảnh cùng khách. Cao hứng ôm ngang vòng hai một cô nào đó để chụp ảnh cô ấy chỉ mỉm cười e lệ nép mình vào khách một chút xem cử chỉ ấy như là được khách coi mình xinh. Các bà mẹ cũng ăn mặc đẹp ẵm những đứa con kháu khỉnh của các cô chào đón khách. Ấm cúng và thân thiện. Ấn tượng và khó quên.

Chúng tôi nghỉ ở một khách sạn 3 sao mới xây dựng có tên “Sao Xanh” nằm ngoại vi thị trấn Mộc Châu. Điều bất ngờ là các món ăn ở đây chế biến rất ngon, lại đặc thù là “của ngon vật lạ” Mộc Châu: Thịt lợn bản hun khói, Gà mọ, Trứng kiến rừng, Cá sông nấu chua với măng rừng, Rêu sông Mã rang khô sợi rối rối giống như ruốc, Các loại rau rừng trộn lẫn không luộc mà cho lên “xửng” hấp như đồ xôi. Đó là bản sắc ẩm thực của người Thái. Đến nỗi, đi đâu thì đi nhưng cứ đến bữa ăn lại rủ nhau về ăn ở khách sạn Sao Xanh. Tôi tò mò lân la xuống khu nấu ăn làm quen với anh đầu bếp trẻ Vương Đức chuyện trò. Mới vỡ lẽ anh từng làm đầu bếp cho nhà hàng Vincom ở Hà Nội. Trong huyết quản anh có Mông và Kinh trộn chảy, nên anh thông thuộc nhiều món ăn vùng Châu Mộc.

Thịt lợn bản hun khói phương thức chế biến cũng giống thịt trâu gác bếp mà Lò Sử kể. Gà mọ không phải tên gà mà là tên món chế biến từ thịt gà. Băm nhỏ với nấm và lá vón vén chua chua, gói lại cũng bằng lá vón vén đặt vào vỉ hấp cách thủy. Cây vón vén lá của nó còn được gọi là lá vén váy, nấu canh chua với cá và xương cho hương vị ngon lạ. Phong phú nhất là các loại rau rừng. Rau rừng ở Mộc Châu là rau sạch. Sạch trăm phần trăm không phải lăn tăn, chúng thường mọc bên bờ suối. Rau sắng (ngót rừng) nấu với xương, thịt băm. Rau dớn – dương xỉ hay hoa đu đủ đực và cà rừng có thể làm nộm hoặc xào tỏi cực ngon. Chỉ riêng măng rừng đã cho nhiều loại: vầu, nứa, mai, trúc, sặt, tre, có thể muối chua hoặc nấu canh xương, canh thịt, canh cá. Nhưng thú vị nhất vẫn là măng nướng chấm nước chẳm chéo mà đầu bếp Vương Đức nói là không phải ai cũng được thưởng thức. Anh còn khoe đọt cây hoa ban có thể xào hoặc xôi lên ăn có vị chát chát, bùi bùi, ngọt ngọt. Đọt cây móc, cây song mây thì lại nấu cháo với thịt chuột rừng được coi là thuốc bổ dưỡng. Nhưng ấn tượng nhất là món “pịa” ai khảnh ăn thật khó xơi. Nó được chế biến từ khấu ruột non trâu, bò, ngựa. Không ken tẩy kỹ mà chỉ chuốt qua để nguyên lớp mao mềm nhớt bên trong, cho gia vị nấu lên. Ai đã từng ăn “thắng cố” sẽ hình dung ra món “pịa”. Nhưng người đầu bếp khách sạn Sao Xanh cam đoan món “pịa” sạch hơn “thắng cố” bởi trâu-bò-ngựa ăn cỏ mà lại là cỏ sạch, lại không nấu lẫn với những thứ nội tạng “tạp pí lù” khác, chỉ có khấu ruột non thôi. Tôi tin nhưng chưa quen dùng. Một lần dự bữa chiêu đãi sang trọng tại gia đình thông gia ở thủ đô Viêng Chăn có cả các quan chức cao cấp Lào dự, bởi ông cũng là một cán bộ cấp cao, tôi cũng thấy có món ăn này và quan khách dùng ngon lành có phần khoái khẩu.

Chợ phiên họp. La liệt rau củ quả đặc thù sản phẩm Châu Mộc. Thịt lợn Mán nuôi rông và thịt trâu bò miền rừng núi mà các quán nhậu dưới xuôi gọi là đặc sản. Mía mềm ròn vỏ tím, cam không hột Cao Phong ngọt lịm như đường phèn. Lữ khách nào cũng mua ít nhiều về làm quà. Đến Hang Dơi, khu hồ sinh thái, rừng thông Bản Áng không chỉ có ta với ta, mà đông lữ khách các tỉnh thành xa, như bọn tôi chẳng hạn. Nhưng tôi tin những gì mới lạ được khám phá ở Châu Mộc hứa hẹn một nơi du lịch sầm uất hiếm nơi có.

CÔNG TY DỊCH VỤ DU LỊCH VIÊT NAM - VIETNAM TOURISM SERVICE COMPANY
Địa chỉ: Số 04 Ngõ 38B, Lý Nam Đế, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: +84. 4.3747 5047 - 3747 8557 * Fax : +84. 4.3747 8556
Hotline: +84. 932 320 018 - + 84. 988 757 689
Email: info@dulichhangngay.com.vn
Website: www.dulichhangngay.com.vn (Tiếng Việt) * www.vietnamdailytour.com.vn (Tiếng Anh)

1 nhận xét:

  1. Vẻ đẹp của Mộc Châu thì không một ai đã từng đặt chân tới mà không phải trầm trồ khen ngợi cả

    Trả lờiXóa

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!

Tổng số lượt xem trang