Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Câu mực đêm ở biển Cửa Lò

Với những tour câu mực đêm cho du khách, nhiều chàng trai xứ Nghệ đã biến một nghề phụ trở thành nghề có thu nhập chính. Có lẽ, đây cũng là sự kỳ thú của loại hình du lịch hấp dẫn mà những chàng trai này muốn dành cho khách du lịch đến nghỉ mát ở bãi biển thơ mộng Cửa Lò...


Lúc hoàng hôn buông trên mặt biển, tôi quyết định lên cái thúng của Thành - một thanh niên trạc hơn 20 tuổi với thâm niên 4 năm trong nghề "câu mực du lịch". Thành trấn an tôi trong khi chiếc thúng bắt đầu tròng trành theo từng đợt sóng: "Anh cứ bám chặt mạn thúng, một lát nữa sẽ quen ngay thôi. Nếu không bị say sóng chắc chắn chẳng có vấn đề gì đâu". Chiếc thúng chở 2 người chúng tôi chầm chậm tiến ra bãi câu mực, lúc này trời đã tối đen và với một "tay mơ" như tôi đã bắt đầu nếm trải cảm giác say vì "uống" quá nhiều... sóng, cho dù cũng có thể coi Thành là một tay bơi thúng thiện nghệ khi lướt qua đầu con sóng như người ta lướt ván bằng ca - nô.

Sau khoảng 15 phút lênh đênh, cách bờ chừng hơn cây số, Thành bắt đầu thả neo và giới thiệu với chúng tôi về cách câu mực. Theo Thành, câu mực hay câu cá đều phải có tính kiên trì và sự khéo léo, nhưng đặc biệt đối với câu mực lại đòi hỏi người câu có thêm sự bền bỉ về thần kinh để không bị quay cuồng, chao đảo trước sóng biển. Cách câu mực không khó lắm, còn để câu được mực thì quả là không đơn giản chút nào: dùng lưỡi câu chùm gắn trên một cục chì, được sơn lên những màu sắc khác nhau. Yếu tố không thể thiếu là ánh sáng đèn, người ta dùng đèn măng-xông, kích cho độ sáng cực mạnh để thu hút mực. Sau đó thả câu rồi làm các động tác để con mồi nhựa nhảy tung tăng "gọi bạn". Tôi hỏi Linh: "Làm sao để biết được mực cắn câu?". Thành cười: "Anh cứ bình tĩnh, khi nào nó cắn câu thì sẽ thấy". Hóa ra, mọi việc đều diễn ra ngay trên mặt nước, người câu có thể trực tiếp chiêm ngưỡng. Một cảm giác hồi hộp cho người câu bắt đầu xuất hiện khi Thành hô to: "Có mực đó, cuốn dây, giữ con mồi dưới mặt nước...". Con mồi do chúng tôi điều khiển khi lên sát mặt nước, được ánh đèn chiếu vào, màu sắc của nó càng sặc sỡ. Bám theo nó là những con mực có màu hồng sáng, chúng chỉ cách chúng tôi một sải tay. Thành nói: "Nhiệm vụ của người câu là phải khéo léo thu hút để những con mực "quây quần" bên con mồi, có hai cách để có thể bắt được mực. Một là chờ đợi cho nó cắn câu, cách thứ hai nhanh hơn là dùng vợt, một lúc có thể bắt được hàng chục con". Cảm giác rất thú vị khi đùa giỡn với các chú mực trên mặt biển khơi đã giúp tôi quên đi sự choáng váng do sóng. Khi tôi đang mải theo dõi đàn mực, Thành bất chợt quát: "Bọn khủng bố". Chưa kịp định thần đã thấy anh ta cầm vợt chao một cái rồi đưa lên và nói: "Đây chính là bọn khủng bố phải tiêu diệt, nếu không chúng sẽ đuổi hết mực đi". Thì ra, "bọn khủng bố" đó chính là những con cá nóc, chúng thường xuất hiện để phá đám khi người ta câu mực. Câu được mực, Thành làm món "mực nhảy nướng" để tôi thưởng thức ngay trên thúng. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá đặc biệt, lợi dụng sức nóng của đèn măng-xông, người ta chỉ cần gắn một cái chảo lên đó, thế là cây đèn trở thành "lò nướng mực"...


Giá cho một tour câu mực là 50 ngàn đồng, không hạn chế thời gian. Thành cho biết, mỗi đêm anh cũng kiếm được trên dưới trăm ngàn đồng, có thể nuôi sống cả gia đình, nhưng điều quan trọng nhất giữ Thành lại với nghề - cũng là mong muốn chung của nhiều thanh niên nơi đây: kéo du khách đến Cửa Lò bằng một hình thức du lịch giải trí đặc sắc, độc đáo - câu mực đêm.

Nam tài tử ở biển Cửa Lò

Tiếng hát dập dìu, trầm bổng, lúc khoan lúc nhặt. Tiếng hát lẫn trong tiếng sóng biển. Tiếng hát tãi ra, lướt nhẹ trên khoảng không mênh mông của bãi cát trắng, la đà sát trên những mạn thuyền, quấn quýt dưới ánh hoàng hôn của bãi biển Cửa Lò. Chiều chiều, có một "nam tài tử" vẫn cần mẫn cất lên từng nốt nhạc, lời ca phục vụ du khách đến với Cửa Lò...

Chiều Cửa Lò. Du khách từ khắp mọi nẻo đường, các khách sạn, nhà nghỉ đổ ra bãi biển mỗi lúc một đông hơn. Bãi tắm chẳng mấy chốc đã chật kín người. Người ta tắm, bơi lội thoả thích dưới làn nước biển, rồi lên bờ, sục người vào cát trắng, lăn lộn đùa vui. Một số người lại tụ tập chơi bóng, thả diều. Không khí rộn rã thường thấy mỗi khi chiều xuống ở Cửa Lò. rên bãi cát, gần nơi đầu chân sóng, chàng thanh niên lục tục mở tráp, cẩn thận bắc từng chiếc loa thùng lên con "ngựa sắt" vào hàng "nồi đồng cối đá" - chiếc cub 78. Hai bình ắc quy nặng trên dưới 30kg được nối cẩn thận từng dây, từng dây một vào loa, cuối cùng anh cắm chiếc micro vào bộ tăng âm. Chiếc cassettes khởi động quay những vòng đầu tiên của buổi biểu diễn.


Cô em gái nhỏ người, tóc thả ngang vai, nhanh nhẹn "trang điểm" một vài cành hoa, ánh đèn nhấp nháy cho khu vực "sân khấu". "Nam tài tử" bắt đầu cất giọng: "alô, alô 1,2,3,4... tôi đang thử máy, alô, tôi đang thử máy..." anh vừa alô, vừa điều chỉnh bộ tăng âm cho phù hợp. Sau 15 phút, mọi thứ đã sẵn sàng...

Tiếng hát bắt đầu cất lên, và tất nhiên, trước mỗi bài hát là lời giới thiệu khá hấp dẫn: "Nhạc sĩ Trần Hoàn đã ra đi, nhưng ông đã kịp để lại cho đời những bài hát sống mãi với thời gian. "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" là một trong những bài hát có thể nói là hay nhất của nhạc sĩ Trần Hoàn. Cũng để đáp lại lòng nhiệt tình của du khách gần xa đã bớt thời gian ghé thăm Cửa Lò, thăm mảnh đất xứ Nghệ thân thương, sau đây, Thanh Vinh xin gửi đến quý vị bài hát "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh...".

Rồi "Về quê" của Phó Đức Phương, "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" của Nguyễn Văn Tý, rồi những làn điệu dân ca xứ Nghệ... Tiếng hát cất lên giữa muôn trùng sóng vỗ hòa quyện cùng tiếng sóng. Thoảng trong âm thanh của tiếng sóng, giọng hò thướt tha, dịu nhẹ. Một vài vị khách hiếu kỳ lần đầu đến Cửa Lò, vẫn ngồi ở bãi cát, tai dỏng lên nghe tiếng hát của "nam tài tử". Dăm người khác, rồi một tốp đến 10 người, 15 người kéo nhau lại, quây quanh chiếc loa, mắt hướng sân khấu, nơi chàng "tài tử" đang đắm mình trong câu hát. Bên bờ cát trắng, cả người hát và người nghe đều đắm say, đắm say tiếng nhạc, giọng hát như một thứ men nồng đang rực lên, gieo vào lòng họ.

Nhưng những giây phút xuất thần như thế không kéo dài được lâu. Bãi biển mỗi lúc một đông. Ồn ào, hỗn tạp. Hàng rong cũng đông dần lên khi hoàng hôn choàng xuống biển. Để cạnh tranh với tiếng hát Thanh Vinh có sự phụ trợ đắc lực của micro và loa, các chủ hàng rong hình như cũng rao to giọng lên. "Tôm nào chú ơi!", "Ghẹ nào bác ơi!", "Bánh bao đê!", "Lạc rang nào!...". Tiếng hát của "nam tài tử" lẫn trong thứ âm thanh hỗn náo đó.

Đằng kia, một nhóm khách du lịch đang mải miết nhìn ra biển, tỏ vẻ khó chịu khi bất ngờ cái thứ âm thanh ấy dội vào mình. Một người than phiền với bạn bên cạnh: "Trốn phố để về đây mà cũng không thoát khỏi ồn ào... Chán quá. Ai về đây để nghe hát rong thế này cơ chứ".

"Không thành nghệ sĩ thì đi hát rong"
"Sân khấu", "thiết bị" và khán giả...

Vinh đã hát ở đây vài năm nay. Sàn diễn của anh là bãi cát dài vô tận. Nhạc đệm còn là tiếng sóng biển vỗ về nơi bờ cát hoà lẫn tiếng rao mời không ngớt và vô vàn những âm thanh hỗn tạp khác. Anh tâm sự: "Tôi hát vì đam mê. Hát vì yêu, vì thiết tha với những giọng hò, những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Khách tắm biển nào có yêu cầu thì đáp ứng, không vé, không tiền..."

Cát-sê của anh là tiền lãi từ túi lạc rang to mà em gái anh lặn lội cùng anh hơn 20km từ thành phố Vinh ra, rao bán cho những khán giả đang ngất ngư tiếng nhạc, ngất ngư hơi men trên chiếc bàn vừa kê tạm của một chủ quán gần đó với vài chai bia Hà Nội. Khán giả vừa uống bia, nhâm nhi lạc rang, thưởng thức giọng hát của "nam tài tử" Thanh Vinh.

Quyết định ra với "sân khấu" bãi biển Cửa Lò của Thanh Vinh bắt nguồn từ việc anh không thành công trong việc trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Từ nhỏ, tiếng hát của anh đã khá "nổi danh" ở xóm lao động nghèo ngoại thành của thành phố Vinh. "Thời nhỏ tôi mơ ước nhiều lắm, nhưng mơ ước lớn nhất là trở thành ca sĩ. Tôi mong được thể hiện trước đám đông những câu hò ví dặm, những bài hát dân ca xứ Nghệ. Và tôi đã hát, hát suốt ngày. Nhưng để trở thành ca sĩ thì dường như tôi còn thiếu rất nhiều..." 

Giọng anh trầm buồn, nét mặt vẫn chưa hết những đam mê theo từng nốt nhạc phát ra từ chiếc loa thùng. Không thể theo học các trường thanh nhạc vì nhiều lý do, Thanh Vinh đã nhiều đêm nằm không ngủ. Những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu anh. "Phải làm sao để thoả mãn niềm đam mê của mình? Phải làm gì để đưa những câu hò, tiếng ca, làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng của các thế hệ người con xứ Nghệ đến được với lớp thanh niên trẻ...". Sau đó, Vinh đã tự mày mò đặt mua loa, tăng âm, micro, ắc quy rồi ra Cửa Lò thể hiện tài năng của mình.

Theo Vinh, hoạt động nghệ thuật đâu chỉ duy nhất một con đường. Không trở thành ca sĩ trên những sàn diễn lớn, Thanh Vinh đã trở thành một ca sĩ, một "tài tử" đơn sơ nơi đầu ngọn sóng. Nhiều khán giả là khách du lịch thừa nhận anh. Sân khấu nơi anh diễn không trang hoàng lộng lẫy nhưng có cát, có sóng, có những âm thanh rất đời thường mà ở những sân khấu kia không thể có được. Và quan trọng hơn, ở đây, trên sàn diễn này không có những toan tính, vụ lợi đời thường.

Hoàng hôn chạng vạng. Bóng tối bắt đầu bủa vây lấy bãi cát dài. Biển Cửa Lò như một chiếc chảo không lồ, đen kịt. Sóng dịu nhẹ hơn, miên man hơn. Xa tít tắp nơi mà trời và biển không thể phân chia, một vài chiếc thuyền chong đèn tìm cá biển. Những đốm sáng phát ra từ thuyền kéo từng vạt từng vạt dài như những dải thiên hà giữa biển khơi. Trong bờ, ngay nơi con sóng vừa vỗ mạn thuyền kia, chạy lại vỗ bờ cát trắng, Thanh Vinh vẫn say sưa hát. Say sưa đến độ người nghe tưởng chừng như chỉ có tiếng hát cần mẫn của anh nơi biển, trời, cát Cửa Lò.

Lẫn trong tiếng hát của anh, cô em gái vẫn đều đặn theo tiếng í ới của khách, lấy từng nắm lạc được dán cẩn thận trong bao bóng kính bán cho khách. Một số vị khách sau khi nhâm nhi vài ly bia Hà Nội, vài con mực tươi rói lấy lên từ những con tàu vừa cặp bờ, tỏ ra không mấy thích thú với những thứ âm thanh hỗn tạp, cả khúc hát dịu nhẹ của Thanh Vinh. Trong câu chuyện của họ chúng tôi hiểu được những lời phân vân: Tại sao một bãi biển đẹp, một khung cảnh nên thơ như thế này lại bị "vấy bẩn" bởi một số gánh hàng rong như vậy? Các nhà làm du lịch ở Cửa Lò dường như vẫn chưa chú tâm đến khách cần gì, muốn gì khi đến với khu nghỉ mát này.

Năm 2005 là "Năm du lịch Nghệ An", để thu hút được khách du lịch thì ngoài những thắng cảnh thiên nhiên được coi là "trời phú" cần phải có thêm nhiều yếu tố khác, đặc biệt là vấn đề tổ chức thực hiện. Những khúc hát của tài tử Thanh Vinh có thể xem là một "đặc sản" nơi bãi biển Cửa Lò. Nhưng khai thác thế nào để biến những khúc hát đó thành một thế mạnh, thành một lời mời gọi hấp dẫn - không bị rẻ tiền - của Cửa Lò với du khách gần xa, đó là một trong những điều mà những người làm du lịch ở đây nên quan tâm

SINHCAFE HANOI
E-mail: info@sinhcafehn.com
Tel: (+84.4) 3747 8557 - 3747 5047 * Fax: (+84.4) 3747 8556.
Hotline: (+84) 988 757689 - 932 320018.

1 nhận xét:

  1. Các bạn hãy một lần trải nghiệm đi câu mực đêm trên biển, mình đảm bảo sẽ rất thú vị đó

    Trả lờiXóa

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!

Tổng số lượt xem trang