Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Hôm nay, đến Hương Sơn chúng ta chỉ để được lắng nghe lại tiếng niệm Phật hồn nhiên không bài bản trên dòng Yến, để học cách đi chậm lại, để lắng hồn theo những kẽ rêu, bậc đá, tiếng mõ, câu kinh và tìm cho mình vài thoáng tâm linh trước khi trở về cõi tục. "Nam Mô A Di Đà"

Lễ hội Chùa Hương

Thời gian : Mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch.

Địa điểm : Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây.

Đối tượng suy tôn: Phật Bà Quan Âm

Đặc điểm : Múa rồng, bơi trải.

Lễ hội chùa Hương kéo dài từ 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Du khách có thể đi bằng đường bộ theo hành trình Hà Nội - Hà Ðông - Vân Ðình - Hương Sơn hoặc từ thị xã Phủ Lý ngược dòng sông Ðáy lên Bến Ðục - Yến Vĩ - Hương Sơn. Theo tâm thức của người Việt Nam Hương sơn được coi là cõi Phật. Chùa Hương là nơi thờ Phật Bà Quan Âm. Ngày 6 tháng giêng là ngày khai hội, có tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến.


Hội trải rộng trên 3 tuyến, tuyến Hương Tích, tuyến Tuyết Sơn và tuyến Long Vân. Hội chùa đông nhất từ 15 đến 20 tháng 2 (chính hội). Ðường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập từng đoàn người lên lên, xuống xuống.Trảy hội chùa Hương không chỉ đi lễ Phật mà còn là có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp của biết bao hình sông thế núi, có cơ hội nhận biết bao công trình lớn nhỏ đặc sắc của di tích Hương Sơn đã trở thành di sản văn hoá của dân tộc.

Suối Yến: Trong thắng cảnh Hương Sơn, các dòng suối và núi non ở đây đã tạo nên cảnh "sơn thuỷ hữu tình" như mộng, như mơ, đặc biệt là suối Yến. Suối Yến mang một vẻ đẹp hiền hoà, buông thả giữa hai triền núi. Ðường suối dài khoảng 3km với khúc thẳng, khúc quanh, cho ta cảm giác như dòng suối này dài vô tận. Vào mùa lễ hội, dòng suối hiền hoà bỗng sôi động hẳn lên, bởi những con thuyền thoi thong thả chở khách vào vãn cảnh đẹp và lễ phật.


Lên thuyền từ Bến Ðục, theo dòng suối Yến, du khách có thể thư thái thả hồn mình hoà quyện cùng thiên nhiên. Phía bên trái là núi Ðụn, trông tựa như một đụn thóc; gần núi Ðụn là núi Soi trông giống như một con kỳ lân nên còn gọi là núi Lân; cạnh núi Soi là núi Ái và núi Phượng đang dang rộng cánh (cánh là hai chỏm núi) mà đầu và mỏ Phượng là chùa và động Thanh Sơn; đi quá lên một chút là núi Ðổi Chèo giống hình một con trăn lớn đang bò trên mặt nước; gần đó là núi Bưng và núi Voi với những truyền thuyết thật thú vị vì Hương Sơn có tới chín chín ngọn núi quay đầu về động Hương Tích, riêng có một ngọn núi có hình dáng con voi quay đầu ra, quay mông vào. Giận quá, Hộ Pháp lấy gươm phạt vào một mảng mông của tên voi nên bây giờ núi Voi vẫn bị sạt mất một mảng; qua núi Voi, đến núi Mâm Xôi. Phía bên phải, từ ngoài vào là núi Ngũ Nhạc có Ðền Trình. Du khách dừng chân vài phút để ghé vào thắp hương, trình lễ với sơn thần. Ði tiếp là núi Dẹo, núi Phòng Sư, hang Sơn Thuỷ Hữu Tình, hang Trâu, Cầu Hội, Thung Dâu... Và chỗ cuối cùng của dòng suối Yến là rừng Vài và núi Nhà Lang Lão Tác. Từ điểm này du khách xuống thuyền và bắt đầu lựa chọn tuyến du lịch của mình.

Chùa Thiên Trù: Chùa còn có tên gọi là chùa Trò, trước đây chỉ là một thảo am nhỏ do Hoà thượng Vân Thuỷ Thiền Thiên Trần Ðạo Viên Quang chân sáng lập. Trong kháng chiến chống Pháp chùa đã bị phá huỷ. Sau năm 1954 chùa được xây dựng lại. Năm 1991, Tam bảo Thiên Trù được xây dựng lại to đẹp như ngày nay. Bên phải chùa là vườn tháp, nơi cất giữ xá lị của các vị Tổ sư quy tịch tại đây. Sau chùa, bên sườn núi còn có toà " Thiên thuỷ tháp", bên trái có chiếc hồ hình bán nguyệt. Sau khi vào chùa lễ Phật, du khách nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục cuộc hành trình mới.

Chùa Tiên Sơn: Từ Thiên Trù (chùa Ngoài) rẽ phải, theo một con đường nhỏ men sườn núi lối đi vào chùa Trong, khoảng hơn 1km là tới chùa Tiên Sơn. Chùa được dựng trên một ngọn núi cao. Chùa nhỏ, xinh, cổng tam quan vút cao như sắp bay lên. Chùa ở trong động gọi là động Núi Tiên, thờ Phật Bà Quan Thế Âm. Trong động có những nhũ đá rủ xuống với nhiều dáng vẻ khác nhau. Có những nhũ đá khi gõ vào thì nổi lên tiếng tiêu thiền nhã nhạc du dương.

Động Hương Tích: Từ chùa Giải Oan, du khách lại tiếp tục cuộc hành trình khoảng 2,5km lên động vào chùa Hương Tích (còn gọi là chùa Trong). Ðường lên động có nhiều chỗ quanh co, lúc lên dốc, lúc xuống dốc. Càng gần tới động thì dốc càng cao. Lên tới bậc đá cao nhất đứng nhìn xuống, du khách sẽ nhìn thấy một vòm hang rộng, sâu, hun hút trông giống như hàm của một con rồng, đó là động Hương Tích.


Qua cổng, đi xuống 120 bậc đá là vào tới lòng động. Ngay ở khoảng giữa, gần cửa ra, vào, có một nhũ đá gọi là "đụn gạo". Ði sâu vào một chút có một lối lên Trời và một lối xuống âm phủ. Trong động, những măng đá, nhũ đá rủ xuống tạo thành muôn hình vạn dạng, người xưa thoả sức để đặt tên: nong tằm, né kén, chuồng lợn, ao bèo, cây vàng, cây bạc, đầu cô, đầu cậu... Bên cạnh những công trình điêu khắc thiên nhiên còn có những công trình điêu khắc nhân tạo, giá trị nhất là pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn.Hương Tích là một động đẹp nổi tiếng và đã được chúa Trịnh Sâm (thế kỷ 17) tự tay đề năm chữ Hán lên cửa động: "Nam Thiên đệ nhất động" (Ðộng đẹp nhất trời Nam).

Tiếng niệm Phật bên dòng suối Yến: Còn nhớ hồi trẻ, một lần đi hội chùa Hương, nghe người ta niệm Phật là cái miệng tôi như muốn niệm theo, nhưng nghĩ mình là con trai nên cảm thấy… ngượng và đành lặng lẽ bước đi. Về nhà, được bà ngoại dạy mới biết mình chưa tâm thành.

Bà bảo: “Niệm Phật như một cách lạy Phật và cũng để đánh tiếng chào hỏi người qua lại cho bớt cái mệt, thêm cái vui. Với lại, một câu niệm mà tiêu nghiệp thị phi trong mấy mươi năm, sao phải ngượng ngùng. Nếu ai đi trong cảnh Hương Sơn, nghe người khác niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà không thể A Di Đà Phật để đáp lời thì người đó đặt chân vào cảnh Hương Sơn rồi mà lòng vẫn chưa xa bến Đục.”


Tôi trở lại Hương Sơn lần thứ ba, vẫn còn một thắc mắc: người ta niệm Phật để cầu xin sự cứu khổ hay vì nhớ Phật? Có lẽ mỗi người có một cách niệm Phật của riêng mình. Nhưng ai có thể cất lên tiếng niệm Phật như một tiếng niệm tâm? Lần này, rất có thể bên phía những bậc đá kia sẽ có câu trả lời. Một bà lão trên 80 tuổi, trong trang phục của một cậu bé, điệu bộ con nhà võ, chân nhảy lò cò một cách nhí nhảnh, cứ một bước dừng là một câu kể hạnh: “Ở trong bể nước Nam ta. Phả môn có Đức Phật Bà Quán Âm. Niệm Phật thì niệm tại tâm. Ngẫm xem sự tích ca ngâm cho tường….”. Chớ ai gọi bà lão là “bà”, bởi “bà” sẽ không vui. Hãy gọi bà lão là “cậu”, thì “cậu” sẽ hân thưởng cho những câu kể hạnh và những bước nhảy chân sáo cùng với tiếng lục lạc leng keng nghe rất vui tai. Bà lão không bằng lòng với danh xưng chật hẹp đích thực ư? Hay bà lão đang nhập hồn vía vào thể tính “cậu” như nhập vào một sự hỗn mang chưa phân lập rõ giữa ta và người? Tôi không trả lời được. Đành để đôi niềm nhân ngã tan theo cảnh mây khói hư huyền.

Tu một trăm kiếp mới có duyên cùng ngồi trên một chuyến đò, vậy thì sao không thể niệm Phật chào nhau. Tôi chưa kịp đối thoại với mình về điều đó thì câu kể hạnh về sự tích Bà Chúa Ba theo tiếng hòa niệm “Con niệm Nam Mô A Di Đà Phật” lại trong trẻo vang lên trên dòng suối Yến. Một chiếc đò đầy đang niệm Phật. Niệm Phật thấy vui vui. Niệm Phật thấy khoe khỏe. Niệm Phật để vững tin mà dọn lòng bước vào cửa Không, bước vào lời thì thầm của dòng Yến. Niệm Phật để lòng trong hơn, để bỏ lại bến Đục những gì còn đục.

Nhìn xem, những mâm lễ gì lạ vậy? Có con gà luộc miệng ngậm bông hồng đỏ trên mâm xôi. Để cúng thần? Để cúng Phật? Tiêng nam mô rì rầm, mong đợi cõi linh thiêng chứng tri lòng thành kính. Nam mô… cho con buôn may bán đắt. Nam mô… cho con nói có người nghe đe có người sợ. Nam mô… cho con sinh trai, sinh gái trắng trẻo, vuông tròn. Nam mô… cho con gặp thầy, gặp thuốc. Nam mô cho con trả hết nợ trần. Nam mô cho con một người bạn đời chung thủy… Có vô vàn những lời nam mô như thế. Đừng ai vội phê bình hay dở. “Của mình thì Bồ Tát, của người thì lạt buộc”, một bà lão nói với tôi như thế như để giải thích vì có người đàn ông lỡ xúc phạm đến “tín ngưỡng” của mình. Đó là những lời khấn cầu trong khổ đau hay hy vọng? Ai có thể thay tôi trả lời? Nam mô “trăm năm trong cõi người ta”. Nam mô “người ta hoa đất”… Chưa có cái “trí bình đẳng” thì thị gà là thịt gà, hoa quả là hoa quả. Nhưng cúng Phật mà Phật hưởng hết thì đời không ai dám cúng nữa. Phật chỉ chứng tri lòng thành. Giữa cảnh đời “vạn bán trăm mua”, ai có lòng thành? Lòng thành kẻ có người không… Dù sao với tôi lúc này, mọi chuyện vẫn bình thường.

Đến chốn hàng quán dọc ngang, tôi thấy có nhiều người tỏ ra bực mình khi nhìn cảnh nhiều “chúng sinh” bị treo bán, nhưng rồi thì họ cũng lắc đầu cười xòa cho qua chuyện. Người “hóa kiếp” cho vật. Vật cũng nhiều khi “hóa kiếp” cho người. Oan đền báo trả mà. Quả tình có rất nhiều thứ thịt treo lủng lẳng trên đường vào Hương Sơn. Thật ngạc nhiên, nào là “tiểu hổ”, nào là “vitamin gâu gâu” 3 món 7 món, nào là cá tôm “hương đồng nội”,… 365 ngày so với 3 ngày vãng cảnh Phật mà nhu cầu “vitamin” vẫn cao như vậy. Tôi nhớ lại đến chuyện thịt của cái thời thiếu thịt. Lúc đó người ta “tự an ủi” và đành đề cao triết lý rau và tinh thần ăn độn. Mà đáng thương thật. Thời nay, tiền vạn bạc muôn, thịt đâu có thiếu, mào là cá ngừ đại dương, nào là bò Tây, vịt Tàu…. Sao đến Hương Sơn vẫn thấy cảnh như những ngày thiếu thịt? Tâm như quán trọ. Tôi nghĩ vui “tâm như hotel”. Quán trọ nào, hotel nào trên mảnh đất Việt này có thể có một ngày không rượu thịt? Nghĩ đến đây, tiếng niệm Phật của tôi trở nên khan đục, đục như nước bến Đục. Hình như tôi đang còn vất vưởng ở bến trần gian. Nghĩ đục thì niệm sao có thể trong được. Giá mà… mỗi người một tiếng… nam mô. Biết đâu ngày mai đường vào Hương Sơn lại có thêm vài phần sạch sẽ.

Tôi niệm Phật khi thấy mấy anh phóng viên mới vào nghề đang hăng hái, hồ hởi với cái lý “công bằng”, và họ đang gần như “phát điên” khi thấy cảnh chèo kéo, cảnh xin tiền bồi dưỡng, viết sớ thuê, cúng cầu thuê…, rồi thì thịt da ê hề lủng lẳng, rồi thì xin đểu, chửi bới… Họ muốn viết. Viết hết mọi chuyện ở Hương Sơn. Có giai thoại mấy ông Tây sang Việt Nam, vì không biết tiếng Việt, thấy hai người đứng chửi nhau lại tưởng họ đang hát đối, hát giao duyên, nên họ hâm mộ đứng lại ghi hình như ghi hình ca sĩ. Còn mình là người Việt với nhau, nặng nhẹ trong từng nửa câu, không những nghe được mà còn ngửi được mùi của nó nữa. Thế là lại khốn khổ với nhau. Giá mà lúc đó mình “được” trở thành mấy ông Tây ù ù cạc cạc, bị chửi mà cứ vừa bước đi vừa cười hềnh hệch.

Tôi chợt nghĩ, có lẽ không ai biết mình đã đến từ đâu và đang mang theo những nghiệp quả nào trong kiếp sống. Chính cái không biết ấy, đời mới có đục trong, vui buồn. Nhưng nếu đã nghiệm ra được một vài lẽ nhân quả rồi thì… dừng lại. Biết dừng đúng lúc thì mới vững.

Vào cửa Phật mà phải cãi cọ, giành nhau đi đò, đi cáp treo. Thật phiền, nhưng chưa đến nỗi phải giẫm đạp lên nhau như những cuộc hành hương tôn giáo nổi tiếng trên thế giới. Tôi đứng nhìn cái sự tranh giành, đến hơn nửa tiếng đồng hồ mới có đò để đi. Nhớ lời mẹ nói “một vái xa bằng ba vái gần”, tôi đứng từ xa vái Phật nhưng vẫn vui vì thấy Phật như ở ngay cạnh mình. Đang niệm Phật, đang nhớ tới lời của mẹ thế mà tôi lại “mộng mị” đến câu hát giao duyên “Yêu nhau đứng ở đằng xa, Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần.” Chỉ do cái tội gần 30 rồi mà chưa ưng ai. Tôi liếc nhìn một cô gái tuổi trăng tròn. Cái đẹp tỏa ra từ đôi má, từ ánh mắt trong veo, từ những ngón tay búp măng trắng hồng nhỏ xinh, từ sự vụng về đáng yêu khi mang lễ. Vái niệm xong mà cô gái cứ nhìn người chung quanh tủm tỉm, ngượng nghịu. Cái duyên nơi cửa Phật và cái duyên tình. Tôi không biết mấy cô cậu trai trẻ nam mô để làm gì, nhưng trong tiếng nam mô có ngụ vài ý “lá thắm chỉ hồng” ấy cũng làm dòng Yến trở nên sóng sánh hơn, lay động hơn. Và trong đêm nay, giữa cõi linh thiêng, sau một ngày gửi lòng thành nơi những bước chân, rất có thể người con gái tuổi trăng tròn ngủ say mà miệng vẫn tủm tỉm: Nam Mô A Di Đà…

Tôi đến Hương Sơn không phải vì những danh xưng “đệ nhất” hay “đệ nhị” hay những phương tiện đi lại hiện đại của nó. Tôi đến Hương Sơn chỉ để được lắng nghe lại tiếng niệm Phật hồn nhiên không bài bản trên dòng Yến, để học cách đi chậm lại, để lắng hồn theo những kẽ rêu, bậc đá, tiếng mõ, câu kinh và tìm cho mình vài thoáng tâm linh trước khi trở về cõi tục "Nam Mô A Di Đà".

Cơ quan chủ quản SINHCAFE HANOI:
Công Ty Dịch Vụ Du Lịch Việt Nam - Vietnam Tourism Service Company
Địa chỉ:Số 4 Ngõ 38B, Lý Nam Đế, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại:+84.4.3747 8557 - 3747 3838 * Fax: +84.4.3747 8556
Hotline:+84. 988 757689 - 932 320018.
Email:info@sinhcafehn.com
Website:www.sinhcafehn.com (Tiếng Việt) * www.vietnamclassictour.com (Tiếng Anh)
Ghi rõ nguồn " www.sinhcafehn.com " khi bạn phát lại thông tin từ website này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!

Tổng số lượt xem trang