Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Bãi biển Ninh Chữ: Nằm ở xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 6 km về phía Đông, là 1 trong 9 bãi tắm đẹp nhất của Việt Nam, có chiều dài 10 km, bờ biển bằng phẳng hình vòng cung, nước trong xanh, cát trắng mịn, không khí trong lành, quanh năm sóng vỗ rì rào. Nơi đây có khách sạn Ninh Chữ (đạt tiêu chuẩn 2 sao ) và những bungalow xinh xắn, tiện nghi, lịch sự, ẩn mình trong rừng dương xanh ngút ngàn, liền kề những cánh đồng lúa bát ngát, thoang thoảng hương thơm. Bên cạnh bờ biển có Đầm nại giàu tôm, cá, mực, núi đá Chồng, Tân An, Cà Đú, với những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng chênh vênh và tạo thành một quần thể thiên nhiên đẹp mắt và hài hòa

Du thuyền trên vịnh Vĩnh Hy: Đến với Phan Rang, ngoài các điểm tham quan quen thuộc như tháp Chàm Po Long Giai, bãi biển Ninh Chữ, đồi cát Nam Cương, vườn nho..., nay thêm một điểm du lịch đầy thú vị và gây ấn tượng với du khách: du thuyền trên vịnh Vĩnh Hy, ngắm san hô và tắm biển Bà Điên.

Ra vịnh là vào buổi sáng khí trời rất dễ chịu, thích hợp cho chuyến du ngoạn trên sông nước. Đi xe đến nơi neo thuyền, đoạn đường khoảng hơn 30km, mỗi chiếc thuyền máy có thể chở được 20-25 người đi thẳng ra bãi tắm Bà Điên. Nguồn gốc của tên bãi tắm bắt nguồn từ chuyện người vợ trẻ chờ chồng đến hoá điên và chết. Cảnh trên vịnh hiền hoà, thơ mộng sẽ là phông nền cho những bức ảnh đẹp chụp từ nhiều góc độ.


Theo Sài Gòn Tiếp Thị, đây là bãi tắm ít có bàn tay con người can thiệp vào, thích hợp với những ai muốn tìm về với thiên nhiên, tìm về khoảng trời trong lành yên tĩnh. Chỉ có đá, cát, sóng biển và... bạn. Chưa có dịch vụ thuê dù, ghế, tắm nước ngọt hay bán thức ăn đồ uống. Do đó, nếu bạn muốn ở đây lâu một chút thì nên chuẩn bị đầy đủ những gì cần thiết. Người dân rất hiền và thân thiện, họ vui vẻ cởi mở khi tiếp xúc. Mỗi hành khách khi lên thuyền được phát một chiếc áo phao. Nước biển trong và mát hơn bất kỳ bãi biển nào mà tôi đã được đến. Ngâm mình trong làn nước biển trong xanh dưới tiết trời hanh hanh nắng tại đây cả giờ, bạn cũng sẽ không hề chán.

Khoảng 30 phút sau, một chiếc thuyền đáy kính tấp vào và đón đoàn quay ra vịnh ngắm san hô, nếu là đoàn đông thì sẽ tách làm nhiều đợt. Qua lớp kính dưới đáy thuyền, từng rặng san hô đủ màu sắc đủ hình dạng hiện ra, chúng rõ như thể tôi nhìn thấy chúng ở tầm xa chỉ vài ba mét. Một thế giới lung linh huyền ảo đẹp như trong câu chuyện về thuỷ cung có long vương, công chúa thuỷ tề mà bà kể khi xưa là có thật. Người lái thuyền sẽ tắt máy, để thuyền trôi tự do giữa biển một đoạn vài chục mét, kéo dài thời gian cho những du khách đang mải mê trầm trồ, chiêm ngưỡng kỳ quan dưới nước mà thiên nhiên ban tặng. Và điều thú vị hơn cả, là chính lúc đang được "trôi tự do" trên biển này đây, một tốp thanh niên đã quyết định tìm cảm giác mạnh bằng cách nhảy xuống, ở giữa biển - dù chỉ vài phút là cũng thích thú lắm rồi. Với những chiếc áo phao an toàn trên người, khách không sợ gì nữa, thế là, từng người nhảy ùm xuống nước, tha hồ vẫy vùng hò reo trong làn nước trong mát. Người chưa dám xuống thì mang chút tò mò chút sờ sợ, đến khi nhảy xuống rồi thì thích đến nỗi không muốn quay lên. Khi leo lại lên thuyền để trở lại bãi tắm, ai cũng mang cảm giác tiếc nuối.

Thuyền chở quay về bãi tắm Bà Điên và đón một tốp 20 người khác ra vịnh. Trong khi chờ đợi, khách tiếp tục tắm biển, chơi những trò chơi trên biển. Bạn có thể tha thẩn thả bộ dọc đường biển, chụp hình trên những bãi đá, bãi cát vàng mịn...Tóm lại là dù cảnh thiên nhiên nơi đây hoang sơ nhưng vẫn là một bức tranh sơn thuỷ hài hoà đáng để chúng ta lưu lại những bức ảnh đẹp.

Khu du lịch Vĩnh Hy : Khởi hành từ thị xã Phan Rang theo tỉnh lộ 702, du khách sẽ luồn qua những cung đèo xuyên rừng mai và khộp lá vàng, đặc trưng cho khí hậu khô nóng miền cực nam. Đâu đó một làng chài ẩn hiện, xóa tan sự tĩnh mịch của núi rừng.Du khách có thể thám hiểm vịnh Vĩnh Hy với một chiếc thuyền nhẹ, chở được 4 người. Chèo thuyền men theo vách núi ăn ra sát biển, khách sẽ thăm thú được toàn bộ vịnh. Giữa làn nước trong xanh tĩnh lặng, từng đàn cá cơm bạo dạn bơi lội quanh thuyền. Xa xa về phía nam là những doi cát chạy dài, ôm cong bờ biển.Sau khi thám hiểm, du khách có thể thả mình trong bãi tắm hoang sơ, vắng vẻ hoặc vào làng chài và tìm hiểu sinh hoạt của họ với những nghề làm mắm, hấp cá và cùng ngư dân kéo lưới, thưởng thức các đặc sản biển.



Rời vịnh, vượt qua 1 cầu treo và sau 15 phút đi bộ, khách sẽ gặp khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa. Chuyến du khảo thú vị sẽ đưa du khách đến với làn nước mát lạnh của suối Lồ Ô, bắt nguồn từ những dòng nhỏ, luồn lách trong các khe rừng rồi chụm lại đây. Hai bên suối là các phiến đá bằng phẳng, được che mát bởi những tán cổ thụ rậm rạp. Vào những ngày quang đãng, ánh sáng mặt trời bị khúc xạ bởi bọt nước trong không trung tạo nên cầu vồng rất kỳ thú.

Tháp Pôklông Garai : Tháp chính thờ vua Pôklông Garai (1151 - 1205). Ông đã có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Chăm ở vùng đất phía nam mới được khai khẩn, nhất là trên lĩnh vực thuỷ lợi (đập Nha Trinh, đập Sông Cấm ở phía tây Phan Rang). Hơn thế nữa dưới triều vua Pôklông Garai trị vì, đất nước Chăm được hưng thịnh, nhân dân được ấm no. Theo truyền thuyết, đây là ông vua bị bệnh hủi nhưng rất dũng cảm.

Tháp này còn khá nguyên vẹn có hình tứ giác. Tháp cao 21,59m. Trong quá trình khai quật nghiên cứu và tu sửa tháp trước kia người Pháp đã tìm thấy một số bát bằng vàng, bạc và đồ trang sức. Gần đầy khi tu sửa tháp, ngành khảo cổ Việt Nam cũng tìm thấy một số bát vàng. Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các họa tiết đá, gốm với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần...Tháp Pôklông Garai còn lại tương đối nguyên vẹn, quý và hiếm trên đất nước ta và trên thế giới về loại hình kiến trúc này và đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích năm 1979.

Về miền đất nắng ngắm biển xanh và đền tháp: Nằm giữa ba bề dãy núi Nam Trường Sơn, là miền đến ngập tràn nắng gió cùng biển xanh thăm thẳm, Ninh Thuận đang dần vươn lên vị trí một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Với một mặt hướng ra biển, khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, đất đai khô hạn nhất cả nước, Ninh Thuận - Phan Rang nổi danh với những thắng cảnh biển, núi, rừng, sông hài hòa với nhiều di tích đền đài lịch sử và cuộc sống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Chăm, Ra Glai...



Ninh Thuận là một bức tranh hài hoà giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả với những thắng cảnh đẹp như bãi biển Ninh Chữ, bãi biển Cà Ná, đèo Ngoạn Mục, thuỷ điện Đa Nhim và di tích lịch sử quí giá là các tháp Chàm: Pôklông Grai, Pôrômê, Hoà Lai,... hầu như còn nguyên vẹn. Đến thăm nơi đây du khách có thể tham gia nhiều loại hình du lịch: tắm biển, nghỉ dưỡng, du thuyền, leo núi, săn bắn, tham quan các di tích lịch sử, hoặc tham dự các lễ hội của người Chăm.

Thiên nhiên ưu đãi cho vùng biển Ninh Thuận, đó là một lợi thế cho ngành du lịch. Những dải đồi cát nối nhau hắt bóng nhiều dáng vẻ dưới nắng trên màu biển xanh thẳm, những bãi đá chen với xương rồng gai khoe những chùm hoa trái sặc sỡ. Bãi biển Ninh Chữ có bờ cát trắng hình cung dài 10 km là một trong 9 bãi biển đẹp nhất nước, thích hợp cho nghỉ dưỡng. Nằm trong cụm du lịch quốc qua thuộc tam giác Đà Lạt – Nha Trang – Ninh Chữ, bởi vậy nên bãi tắm Ninh Chữ được Ninh Thuận chú trọng đầu tư. Nơi đây mới xuất hiện ba khu du lịch quy mô lớn: Ninh Chữ, Hoàn Cầu và Ðen Giòn mà lượng khách đổ về đã khiến nhiều nhà quan sát du lịch phải thừa nhận: "đột phá du lịch Ninh Thuận".

Không chỉ có công viên nước khu du lịch Hoàn Cầu mở rộng bãi tắm và hệ thống khách sạn, nhà hàng trên toàn bộ 8,2 ha. Ðặc biệt những phòng nghỉ của Hoàn Cầu có hình dạng những gốc cây xù xì. Khách vào phòng như đi vào... bụng một cây cổ thụ. Cùng nằm trên bờ biển Ninh Chữ, ngoài Hoàn Cầu còn có Ðen Giòn và Ninh Chữ. Khách đến Ðen Giòn được ngủ lều như cắm trại dã ngoại vậy. Còn Ninh Chữ kết hợp cả hai, vừa có phòng nghỉ máy lạnh vừa có lều. Ba khu du lịch này hiện chỉ mới khai thác được thế mạnh đầu tiên là bờ biển đẹp, để du khách bơi lội và thư giãn.

Dãy cồn cát Nam Cương bao quanh những xóm dân chài ở Ninh Phước thu hút khách dã ngoại. Vịnh Vĩnh Hy là bức tranh hoang sơ của núi và biển kêu gọi du lịch mạo hiểm khám phá. Ở đó là một quần thể hài hoà bao gồm những bãi cát trắng sạch, đẹp, những dãy núi đá xếp chồng lên nhau, những hang động, núi rừng với môi trường và cảnh quan thiên nhiên còn nguyên vẹn, hầu như chưa bị ô nhiễm.



Làng du lịch Cà Ná với những ngôi nhà nho nhỏ đủ tiện nghi cho 2 người hoặc 4 người nghỉ lại đã mọc lên sát biển. Bãi biển Cà Ná trải dài tít tắp với những tảng đá đủ hình dạng cho sóng biển nô đùa, nơi dừng chân thú vị để chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của núi và mênh mông của biển. Tại đây, du khách được tắm biển, đi chơi rừng, leo núi, thăm các hang động rất ngoạn mục: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục, núi Bạc.

Là tỉnh có đông người Chăm sinh sống, Ninh Thuận mang đậm màu sắc văn hoá của dân tộc Chăm. Nền văn hoá ấy được thể hiện qua chữ viết, trang phục dân tộc, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm. Nghệ thuật dân ca và múa Chăm đã trở thành di sản quí giá của nền văn hoá Việt Nam. Phong tục tập quán theo chế độ mẫu hệ của người Chăm vẫn được đồng bào địa phương gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay.

Đến nay người Chăm vẫn giữ các nghi lễ như lễ khai mương, đắp đê, lễ chặn đầu nguồn sông, lễ mừng lúa non, lễ xuống gặt, lễ mừng cơm mới... Đặc biệt, một bộ phận người Chăm vẫn sống bằng nghề đánh cá, mà tục thờ cá voi ở tất cả các tỉnh ven biển ngày nay, chính là bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Chăm. Nhưng hấp dẫn hơn cả là những mùa lễ hội của đồng bào dân tộc Chăm, những đền đài di tích Chăm nổi tiếng, những làng nghề gốm, dệt thổ cẩm Chăm, cùng những nét văn hóa sinh hoạt phong phú.

Pôklông Grai - khu đền tháp Chăm có ba ngôi độc đáo đứng uy nghiêm trên đồi Trầu cách Phan Rang 9 km, được xây dựng từ thế kỷ 13 dưới thời vua Chế Mân III (Jaya Shimhavarman III) còn nguyên các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của người Chăm Bà La Môn tại vùng đất Ninh Thuận. Nơi đây hàng năm vào ngày 1-7 lịch Chăm (quãng tháng 9 hay 10 dương lịch) diễn ra lễ hội Katê (lễ tưởng niệm đấng Cha -Thần, Vua, Ông, Cha) lớn nhất, quy tụ mọi hoạt động tín ngưỡng, phong tục của người Chăm không chỉ ở Ninh Thuận. Đây cũng là thời điểm thu hút khách du lịch trong ngoài nước tham gia lễ hội. Nhân dân ở các vùng lân cận cùng nhau tụ tập lên tháp làm lễ. Nghi lễ được tiến hành đơn giản. Sau khi các thầy coi về đạo giáo, thầy cúng làm lễ cúng tế ở ngoài sân xong thì vào tháp, chứng kiến bà bóng và thầy cúng tắm rửa, thay áo cho vua Pôklông Garai (tượng đá), đọc kinh và hát những bài hát dân ca. Sau các nghi lễ là các tiết mục múa hát diễn ra ở trên sông, cúng tế trước tháp chính và xung quanh tháp.

Trong các di tích Chăm đáng kể ở Ninh Thuận còn có tháp Pôrômê được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17 tại huyện Ninh Phước. Công trình gồm có một tháp chính thờ vua Pôrômê và một công trình phụ thờ Hoàng Hậu. Đây là là trong rất ít tháp Chăm còn nguyên vẹn cho đến nay, là nơi người Chăm thường xuyên làm lễ cầu khấn vị vua đã được thần hoá Pôrômê vào những ngày lễ tết.



Cụm tháp Hòa Lai (Tân Hải - Ninh Hải) có từ thế kỷ thứ 9 là công trình cổ nhất của nghệ thuật kiến trúc đền tháp Chăm. Những di tích đền đài Chăm có rải rác tại 22 làng Chăm ở Ninh Thuận, mỗi nơi ẩn chứa nhiều giá trị đang được phát hiện.

Người Chăm Ninh Thuận còn giữ được nghề gốm cổ truyền độc đáo. Thường là phụ nữ nặn bát, đĩa, chum, vại, bình nước, không dùng bàn xoay, không dùng lò nung mà phơi cho khô rồi chất rơm củi đốt cho đất chín thành gốm. Gốm Chăm vì thế có vẻ riêng thô mộc và rất khác nhau. Những nghệ nhân gốm bằng cách chế tác tương tự, tái tạo hình tượng các vị thần trong truyền thuyết Chăm rất tinh tế và đầy phong vị thần thoại. Tại các làng Chăm luôn thấy đỏ lửa và khói trên các bãi gốm, đặc biệt tại Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân - huyện Ninh Phước), sản phẩm gốm Chăm làm ra tại đây đã tới các đô thị, có trong các bộ sưu tập, là món quà kỷ niệm cho các du khách.

Chế độ mẫu hệ trong dân tộc Chăm chi phối các quan hệ xã hội gia tộc làng xã, trong đó người phụ nữ được trọng thị. Họ là chủ gia đình, không rời xa họ tộc, họ cưới chồng ở rể, nuôi giữ dạy bảo các con, đảm đương công việc nhà. Những sản phẩm dệt thủ công của phụ nữ Chăm, những món đồ đan mây tre thể hiện sự khéo léo, tính truyền thống gia phong. Du khách không thể quên nét đẹp của người phụ nữ Chăm trong tà váy dài lụa nhiều màu sắc, đầu quấn khăn trắng viền thổ cẩm, vai vắt chéo dải khăn thêu hoa, đội bình gốm, tráp lễ vật. Họ đặc biệt tỏa sáng trong các điệu múa Chăm uyển chuyển huyền thoại, được tôn vinh trong hình tượng nữ thần Silva tuyệt đẹp.

1 nhận xét:

  1. Bạn sẽ thấy những cảm giác tuyệt vời khi về thăm thú nơi đây

    Trả lờiXóa

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!

Tổng số lượt xem trang